Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh, cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng nuôi trồng, sản xuất; thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa sạt lở đất; cũng như những giải pháp nhằm ổn định sản xuất cho nhân dân sống trong khu vực rừng…. Kết quả, về Đề án tôm – lúa đạt năng suất và hiệu quả cao, đã làm chuyển biến nhận thức của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc quy hoạch, bố trí lại sản xuất hợp lý và hiệu quả hơn. Về xây dựng quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung trên địa bàn hiện nay đã quy hoạch được 3 cụm, thành phố Cà Mau 2 cụm với 1.356ha và Đầm Dơi 1 cụm với 634 ha; còn lại huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn đang lập dự án quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp. Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống ngay tại gốc, thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh trên tôm... Về mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đến hết tháng 9/2013 ước đạt trên 32 nghìn ha, tăng trên 11,6 nghìn ha so với năm 2012, đạt 84,3% kế hoạch năm 2013; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao, mô hình này phù hợp với điều kiện của người nuôi, hiệu quả kinh tế luôn ổn định. Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở cao; lập dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở ở một số khu vực xung yếu; kiến nghị giải pháp để tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Về nuôi tôm công nghiệp vễn chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng tôm giống phần lớn chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, rất khó khăn trong quản lý; về lúa giống sản xuất ra tại địa phương để làm giống còn thấp, do chưa được cơ quan thẩm quyền xác nhận, còn thiếu giống chịu mặn để phục vụ cho những vùng sản xuất tôm - lúa. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản còn yếu kém, hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu nuôi tôm công nghiệp; tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, việc phòng chống chưa hiệu quả; tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, phương thức sản xuất mang tính tự phát, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa nhiều. Tình hình sạt lở đất ven sông còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống hiệu quả chưa cao; về nguồn vốn để đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở chưa được đảm bảo; quỹ đất của địa phương không còn để bố trí tái định cư cho nhân dân sau khi di dời....

Phát biểu tại cuộc giám sát, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm, thực hiện quyết liệt hơn nữa những kiến nghị, đề xuất giải pháp của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh sau các đợt giám sát, nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan